(03/05/2017)
Những tháng đầu xuất hiện trong bụng mẹ có thể bé vẫn chưa được nhận ra bởi dấu hiệu chưa rõ ràng. Tuy nhiên, lúc biết có bầu chắc chắn mẹ sẽ tò mò xem bé đã “âm thầm” lớn lên trong bụng mình như thế nào.
2 tuần đầu:
Tuần đầu tiên là giai đoạn trứng và tinh trùng gặp nhau, tạo thành hợp tử, đây là dấu hiệu đầu con xuất hiện trong cơ thể mẹ. Hợp tử tiếp tục tách thành 2 tế bào là giai đoạn sơ nguyên của cơ thể bé. Ở tuần thứ 2, phôi thai phát triển bám vào thành tử cung, bé bắt đầu trao đổi chất với mẹ nhưng chỉ một ít nên có thể mẹ chưa nhận thấy được sự xuất hiện của con. Tuần thứ 2 mẹ chưa cảm nhận được nhiều sự thay đổi trong cơ thể, biện pháp dùng que thử cũng chỉ cho 2 vạch mờ mà chưa rõ ràng.
Tuần thứ 3:
Đây là giai đoạn khởi đầu cho sự phát triển của thai nhi, tất cả các cơ quan trong cơ thể bé bắt đầu phát triển và một số bắt đầu hoạt động. Ống thần kinh trung ương, cột sống cùng các cơ quan như ruột, gan, thận cũng dần hình thành. Cũng chính vậy nên bé rất dễ bị tổn thương với bất cứ sự can thiệp nào. Mẹ cần cung cấp đầy đủ sắt và axit folic để đảm bảo bé phát triển ổn định. Ngoài ra, tuần thứ 3 của thai kỳ trứng thụ tinh cũng đã phân chia thành hàng trăm tế bào, được gọi là túi phôi chứa bộ DNA quyết định giới tính, màu mắt và các đặc điểm khác của cơ thể. Các bộ phận như nhau thai, túi ối, túi noãn hoàng cũng dần hình thành trong tử cung của mẹ.
Tuần thứ 4:
Bé lúc này là một phôi thai rất nhỏ với 3 lớp khác nhau chứa các bộ phận cơ thể sau này của con. Lớp nội bì sẽ phát triển thành phổi, gan và bộ máy tiêu hóa của bé. Lớp trung bì phát triển thành xương, cơ, thận, cơ quan sinh dục và tim. Lớp ngoại bì phát triển thành cơ và các bộ phận khác như da, tóc, mắt và hệ thống thần kinh.
Tuần thứ 5:
Các dấu hiệu mang thai lúc này đã rõ rệt như chậm kinh, mệt mỏi, buồn nôn, đau tức ngực. Đây là giai đoạn khởi đầu cho sự hình thành hệ thống ống thần kinh của em bé và tạo thành não, tủy sống. Các tế bào di chuyển từ phía trên cùng của ống thần kinh và thay đổi thành các loại tế bào khác nhau như tế bào thần kinh hay các tế bào mô xương. Đây cũng là lúc phôi tim có cấu trúc cơ bản, mạch máu bắt đầu được hình thành trong đó có một số mạch máu sẽ tạo nên đoạn cuối của dây rốn.
Tuần thứ 6:
Đây là giai đoạn bé hình thành tai và mắt, trái tim em bé đập từ 100 – 150 nhịp mỗi phút, gấp đôi nhịp tim của người lớn. Đây cũng là lúc cả hai bán cầu não của bé phát triển, bên cạnh đó là sự phát triển của ruột thừa và tuyến tụy. Trong đó, một đoạn ruột thừa sẽ phát triển thành dây rốn với mạch máu riêng, có nhiệm vụ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cũng như đưa chất thải từ cơ thể bé ra ngoài.
Tuần thứ 7:
Lúc này bé đã thích nghi hơn với cuộc sống ở trong tử cung của mẹ. Bộ máy tiêu hóa và phổi của bé cũng đang được hoàn thiện. Các bộ phận như miệng, mũi, chỗ hõm ở vị trí tai và sự hình thành sắc tố ở tròng đen của mắt cũng hoàn thiện dần. Phía đầu cổ tử cung sẽ xuất hiện một cái nút nhầy để bảo vệ thai nhi, khi mẹ chuyển dạ, nút này sẽ tự chui ra.
Tuần thứ 8:
Giai đoạn này bé đã dài khoảng 1,5 cm. Não bộ sẽ tăng khoảng 1/3 so với kích thước ban đầu. Bên cạnh đấy, các chi đã dần hoàn thiện, tim phân chia thành bốn ngăn, các van tim bắt đầu hình thành, các cơ quan nội tạng, cơ bắp và thần kinh được định hình. Lúc này cơ quan sinh dục đã có nhưng vẫn chưa xác định rõ giới tính. Đôi mắt của bé đã hình thành đầy đủ nhưng mí vẫn đóng chặt cho đên 27 tuần tuổi. Bé có dái tai nhỏ và miệng, mũi, lỗ mũi cũng định hình rõ hơn.
Tuần thứ 9:
Là lúc phôi thai được gọi là bào thai chính thức, bé sẽ có những bước dần hoàn thiện các bộ phận của cơ thể. Cánh tay đã phát triển với những ngón tay có thể cử động được, chân cũng dài ra và bàn chân có thể chạm vào phía trước cơ thể. Mặc dù mẹ không cảm nhận được nhưng lúc này bé đã có những chuyển động và thay đổi tư thế liên tục. Nhau thai phát triển đầy đủ đóng vai trò quan trọng trong sản sinh hormone. Bé đã được chuẩn bị sẵn sàng để tăng cân nhanh chóng.
Tuần thứ 10:
Trong tuần này, các bộ phận của cơ thể vẫn tiếp tục hoàn thiện. Phần đầu của thai nhi bằng nửa chiều dài của cơ thể, trán của bé tạm thời phình ra với chỗ não đang phát triển và nằm rất cao trên đầu. Tóc và lông tơ của bé bắt đầu phát triển trên da, móng tay cũng bắt đầu hình thành, đặc biệt là sự xuất hiện của móng tay. Chồi răng đã được hình thành và xương tiếp tục phát triển.
Tuần thứ 11:
Bắt đầu từ tuần này, các tế bào thần kinh được nhân lên nhanh chóng song song với sự phát triển của các khớp thần kinh trong não. Các bộ phận trên khuôn mặt được hoàn thiện ngày càng rõ nét và di chuyển đúng vị trí như khi chào đời. Ruột của bé phát triển nhanh, thận cũng bắt đầu hoạt động bài tiết nước tiểu vào bàng quang của bé.
Trong giai đoạn này mẹ sẽ bắt đầu tăng cân, dù ốm nghén đã bớt đi chút ít nhưng nhiều mẹ vẫn cảm thấy mệt mỏi. Nguyên nhân là do mạch máu của mẹ sẽ được mở rộng nhằm tăng lưu lượng máu cho thai nhi dễ dẫn đến tình trạng giảm huyết áp, khiến mẹ hay bị chóng mặt. Bên cạnh đấy, hệ tiêu hóa của mẹ sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn, có thể dẫn đến tình trạng mẹ gặp chứng khó tiêu hoặc ợ nóng.
Tuần thứ 12:
Thời gian này là giai đoạn khiến mẹ dễ thở nhất trong thai kỳ bởi các triệu chứng do nghén đã thôi không làm phiền hoặc ít xuất hiện hơn. Bé có thể mở miệng của mình và ngọ nguậy các ngón tay, ngón chân. Móng tay bé bắt đầu phát triển, dấu vân tay đã hình thành. Cơ thể dần cân bằng hơn với sự phát triển giữa đầu và thân mình của bé. Não bộ, tuyến tụy bắt đầu hoạt động sản sinh ra một số hormone, các tế bào thần kinh phát triển với tần số cao. Đây cũng là khoảng thời gian thích hợp để mẹ đo độ mờ da gáy nhằm phát hiện các bất thường của nhiễm sắc thể. Bộ máy tiêu hóa cũng bắt đầu làm quen với công việc tạo ra áp lực để đẩy thức ăn đi qua ruột và cũng có khả năng hấp thu Glucozơ. Xương bắt đầu trở nên cứng cáp và bé đã có một số phản xạ tự nhiên.
Ba tháng đầu thai kỳ là khoảng thời gian quan trọng đối với sự phát triển an toàn của bé cả về sau này. Mẹ nên để ý đến chế độ ăn uống, giữ tâm lý thoải mái, hạn chế làm công việc nặng nhọc. Đặc biệt mẹ nhớ ung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết như sắt folic, canxi, vitamin và những khoáng chất khác để đảm bảo có cơ thể khỏe mạnh, sẵn sàng cho sự lớn lên của con.
Tổng hợp: Huyền Trang
Đừng bỏ lỡ bài viết bạn quan tâm
BẠN ĐANG MANG THAI, CẦN BỔ SUNG VI CHẤT CHO THAI KỲ KHỎE MẠNH?
ZALO/VIBER/ĐT: 0888.31.32.36 NHẬN HÀNG VÀ TRẢ TIỀN TẠI NHÀ