Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây sảy thai, sinh non, thai nhẹ cân, thai chết lưu,… Vì vậy phụ nữ mang thai không được thờ ơ với dịch bệnh này, nhất là khi bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát trên toàn quốc như hiện nay.
Sức đề kháng kém khi mang thai là nguyên nhân chính khiến các mẹ bầu rất dễ mắc một số bệnh liên quan đến nhiễm trùng như cúm, Rubella và đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Những bệnh này là bệnh truyền nhiễm và có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi mà nguy hiểm nhất là gây sảy thai và tử vong mẹ.
Cho đến nay bệnh vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bởi đó là khó khăn lớn cho bác sĩ cũng như người bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Bởi vậy mẹ cần có kiến thức về việc phòng tránh cũng như cách xử lý khi bị sốt xuất huyết để bảo vệ thai kỳ an toàn, mẹ tròn con vuông.
1. Biểu hiện cho thấy mẹ bầu bị nhiễm sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết thường gặp nhất là do virus Dengue gây ra, hay còn gọi là sốt xuất huyết Dengue. Khi mới bị nhiễm, mẹ bầu thường có dấu hiệu sốt kèm theo các triệu chứng viêm hô hấp như đau họng, viêm long, xuất huyết, đau đầu, đau mỏi xương khớp.
Những biểu hiện này gần giống như các bệnh cảm cúm thông thường mẹ có thể gặp phải nên nhiều người dễ bỏ qua hoặc tự mua thuốc về điều trị, đây là việc rất nguy hiểm.
2. Tác hại không lường trước khi mẹ bầu bị sốt xuất huyết
Các tác hại do sốt xuất huyết gây ra thực sự rất nguy hiểm:
- Virus tác động vào cơ quan tạo máu của người mẹ và thai nhi gây rối loạn đông máu, làm giảm số lượng tiểu cầu khiến chảy máu kéo dài gây ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ bầu và thai nhi, đặc biệt nguy hiểm hơn nếu xuất hiện tiền sốc hoặc sốc trong loại bệnh sốt xuất huyết mẹ bầu đang nhiễm.
- Sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu.
- Bản thân người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ, do đó rất dễ gây tử vong cho mẹ.
- Mẹ bầu bị sốt xuất huyết gặp còn có thể gặp phải hiện tượng rau bong non, phù phổi cấp cũng nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và con.
3. Bị nghi sốt xuất huyết, bà bầu nên làm gì?
Nếu nghi sốt xuất huyết mẹ bầu cần phải bình tĩnh, không được lo lắng quá mức làm ảnh hưởng đến thai nhi nhưng chắc chắn cũng không được chủ quan mà cho qua.
- Đầu tiên, mẹ hãy đi khám bệnh, tốt nhất là khám ở chuyên khoa sản hoặc chuyên khoa truyền nhiễm để được xác định mức độ của bệnh, từ đấy mới có hướng giải quyết phù hợp nhất.
- Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để uống hoặc tiêm, nếu làm vậy bệnh không những không khỏi mà có thể nặng thêm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ bầu và thai nhi.
- Trong trường hợp bác sĩ cho về điều trị và theo dõi tại nhà, mẹ bầu cần được nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức.
- Hãy uống nhiều nước hơn bình thường để bù lượng nước và chất điện giải bị thất thoát do sốt. Mẹ nên uống nước oresol, nếu chưa có nước này thì có thể tạm thời uống nước gạo rang hoặc tự pha 2 thìa đường mía với 8 thìa muối ăn trong 1 lít nước uống khi khát. Mẹ bầu cũng nên uống thêm các loại nước ép hoa quả tươi như chanh, cam, xoài, dưa hấu, đu đủ,…
- Sản phụ nếu sốt chưa vượt quá 38 độ thì nên lau người, đắp khăn mát ở các vùng trán, nách bẹn và hai bên thái dương. Nếu bác sĩ có chỉ định dùng thuốc hạ nhiệt thì mới được uống, tuyệt đối không tự động đổi thuốc, nhất là không được dùng thuốc aspirin hoặc bất kỳ sản phẩm nào có thành phần là aspirin vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết, nếu có xuất huyết thì sẽ rất khó cầm máu.
- Quan trọng hơn cả là bản thân mẹ bầu và người thân phải tự theo dõi bệnh của mình, khi thấy bất thường cần đến bệnh viện ngay mà không được chần chừ.
4. Mẹ bầu cần làm gì để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết?
Sự chủ động phòng tránh dịch bệnh là điều quan trọng để mẹ bầu không bị sốt xuất huyết trong thai kỳ:
- Nếu mẹ bầu đang ở vùng có dịch xảy ra thì cả ban ngày và ban đêm mẹ cũng đều cần phải nằm màn để tránh muỗi đốt. Tích cực diệt muỗi và lăng quăng bằng các phương pháp an toàn, nếu buộc phải phun hóa chất thì mẹ bầu cần đến nơi khác để tránh bị ảnh hưởng.
- Phát quang bụi rậm, dọn dẹp môi trường sống thoáng đãng, để hạn chế tốt nhất môi trường muỗi sinh sôi, phát triển.
- Uống nhiều nước, ăn các loại quả chứa nhiều vitamin C.
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân.
- Mẹ bầu cần đi khám ngay nếu có các triệu chứng nghi ngờ bị sốt xuất huyết như: sốt, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp, đau họng, xuất huyết, viêm long,… để được theo dõi và điệu trị kịp thời.
Huyền Trang (tổng hợp)
Đừng bỏ lỡ bài viết bạn quan tâm